Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ tử vong ở người bệnh béo phì cao hơn so với người có cân nặng bình thường và tỷ lệ này cao nhất ở bệnh nhân béo phì độ 3, từ đó có thể thấy ảnh hưởng của béo phì độ 3 lên sức khỏe rất lớn. Vậy béo phì độ 3 nguyên nhân do đâu. Bệnh có triệu chứng, chẩn đoán và điều trị thế nào?
Bài viết dưới đây được tư vấn chuyên môn bởi TS.BS Trần Hữu Thanh Tùng, khoa Nội tiết – Đái tháo đường, BVĐK Tâm Anh TP.HCM.
Nội dung từ các bài viết trên VietMek.com chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho lời khuyên, chẩn đoán hoặc điều trị y tế chuyên nghiệp. Vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia y tế trước khi áp dụng bất kỳ thông tin nào từ bài viết này.
Béo phì độ 3 là gì?
Béo phì độ 3 (béo phì bệnh lý) là một bệnh mãn tính phức tạp với chỉ số khối cơ thể (BMI) một người từ 40 trở lên và gặp vấn đề sức khỏe liên quan đến béo phì. Tuy nhiên, thang đo BMI không phải lúc nào cũng chính xác nên bác sĩ thực hiện thêm các xét nghiệm và công cụ khác để đánh giá béo phì chẳng hạn như đo vòng eo, độ dày da và thực hiện các xét nghiệm khác. Béo phì độ 3 là tiền đề của một số bệnh nghiêm trọng, điển hình như đái tháo đường tuýp 2 và bệnh lý tim mạch. (1)
Chỉ số BMI béo phì độ 3
Chỉ số BMI béo phì độ 3 là từ 40 trở lên ở người lớn. Với người châu Á, chỉ số cơ thể (BMI) từ 25 trở lên được coi là béo phì. Thang đo BMI tiêu chuẩn có thể không chính xác với một số người. Chỉ số BMI không đo được trực tiếp lượng mỡ trong cơ thể nên với một số đối tượng như vận động viên thể hình dù không có mỡ thừa nhưng chỉ số BMI lại cao.
Đối tượng nguy cơ mắc béo phì loại III
Bất kỳ ai cũng có nguy cơ mắc béo phì độ 3, kể cả trẻ em và người lớn. Tuy nhiên, do tính phức tạp của bệnh mà béo phì độ 3 ảnh hưởng đến mọi người khác nhau, cụ thể:
- Giới tính: nữ giới có tỷ lệ béo phì cao hơn nam giới.
- Độ tuổi: ở người trưởng thành, người trong nhóm tuổi tuổi 45 – 54 có tỷ lệ béo phì cao nhất.
- Chủng tộc: nghiên cứu cho thấy người trưởng thành ở khu vực Đông Nam Bộ có tỷ lệ béo phì cao hơn khu vực Đông Bắc Bộ.
Nguyên nhân gây béo phì độ 3
Có rất nhiều nguyên nhân gây béo phì độ 3, trong đó nguyên nhân chính do sự mất cân bằng giữa lượng calo tiêu thụ và lượng calo mà cơ thể sử dụng. Tuy nhiên, còn có một số yếu tố khác gây béo phì độ 3 gồm:
- Yếu tố di truyền: một số nghiên cứu đã chỉ ra bệnh béo phì có thể di truyền trong gia đình.
- Mất cân bằng nội tiết tố: cơ thể con người tạo ra hàng trăm hormone. Nhiều hormone trong số đó có thể ảnh hưởng đến việc cơ thể báo hiệu cần thức ăn và cách tiêu thụ năng lượng.
- Các yếu tố về kinh tế, xã hội và địa lý: người bệnh tiêu thụ nhiều thức ăn nhanh, giàu chất béo không tốt cho sức khỏe hoặc người ít vận động và ít sử dụng năng lượng khiến calo dư thừa, tích lũy theo thời gian.
- Các yếu tố môi trường: tiếp xúc với các hóa chất được gọi là obesogens làm thay đổi nội tiết tố và làm tăng mô mỡ trong cơ thể.
Chẩn đoán béo phì độ 3
Bác sĩ chẩn đoán béo phì độ 3 bằng cách xác định chỉ số khối cơ thể (BMI), các phép đo chu vi vòng đo eo, đo độ dày của da và thực hiện một số xét nghiệm để đánh giá sức khỏe của người bệnh.
- Đối với chỉ số khối cơ thể BMI: BMI được xác định bằng tỷ lệ giữa chiều cao và cân nặng. Chỉ số BMI tối ưu nằm trong khoảng từ 20 – 23. Thang đo này chỉ chính xác đối với một nhóm nhất định và không dùng để xác định tình trạng béo phì ở trẻ em. Một người trưởng thành bị bệnh béo phì độ 3 khi:
- Có chỉ số BMI từ 40 trở lên.
- Chỉ số BMI từ 35 trở lên và đang gặp các tình trạng sức khỏe liên quan đến béo phì như huyết áp cao hoặc tiểu đường.
- Các phép đo chu vi vòng eo: ở người lớn, vòng eo trên 89cm (35 inch) ở phụ nữ và 102 cm (40 inch) ở nam giới.
- Đo độ dày của da: bác sĩ ước tính tình trạng béo phì bằng cách đo độ dày của da ở những vùng sau cơ thể gồm:
- Mặt sau của cánh tay trên.
- Mặt trước của cánh tay trên (bắp tay).
- Dưới bả vai.
- Phía trên xương hông.
- Các xét nghiệm để đánh giá sức khỏe:
- Xét nghiệm máu.
- Bảng chuyển hóa cơ bản.
- Xét nghiệm chức năng thận.
- Xét nghiệm chức năng gan.
- Bảng lipid.
- Huyết sắc tố A1C (HbA1C).
- Xét nghiệm hormone kích thích tuyến giáp (TSH).
- Kiểm tra nồng độ vitamin D.
- Phân tích nước tiểu.
- Xét nghiệm protein phản ứng C (CRP).
- Điện tâm đồ (EKG) nhằm kiểm tra sức khỏe tim mạch và nghiên cứu giấc ngủ.
Cách điều trị béo phì độ 3
Điều trị béo phì độ 3 dựa vào tình trạng và mục tiêu của từng người bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra một kế hoạch điều trị cụ thể khác nhau. Dưới đây là một số cách chung về điều trị béo phì độ 3, bao gồm:
1. Điều chỉnh chế độ ăn uống
Người bệnh cần gặp chuyên gia dinh dưỡng để hiểu hơn về loại thực phẩm, lượng thực ăn và lên khẩu phần ăn phù hợp với mình. Nếu người bệnh cần giảm cân, điều quan trọng chính là cố gắng giảm dần tổng lượng calo hàng ngày.
2. Tập thể dục đều đặn
Tập thể dục là yếu tố quan trọng quyết định một người có thể duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh và giảm trọng lượng dư thừa của cơ thể. Trước khi bắt đầu kế hoạch tập thể dục, tốt nhất người bệnh nên tham khảo bác sĩ về số lượng, thời gian và loại bài tập thể dục phù hợp với mình.
3. Thay đổi lối sống
Người bệnh nên ăn ngủ điều độ, sống lành mạnh và tránh không để bản thân căng thẳng. Căng thẳng mạn tính và thiếu ngủ có thể gây tăng cân. Vì vậy, người bệnh cần học cách thư giãn, giải tỏa căng thẳng bằng cách tập thiền hoặc tập thở.
4. Hỗ trợ tâm lý và tư vấn
Rối loạn tâm trạng chẳng hạn như trầm cảm và lo lắng xảy ra với tỷ lệ cao ở những người béo phì. Đối với trường hợp này, bác sĩ sẽ đề nghị điều trị bằng liệu pháp tâm lý bao gồm:
- Phỏng vấn tạo động lực: đây là một loại trị liệu giúp thay đổi hành vi. Nội dung phỏng vấn được thiết kế để người bệnh hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng và khả năng thay đổi bản thân.
- Liệu pháp hành vi nhận thức: trong liệu pháp này, bác sĩ sẽ giúp người bệnh thay đổi lối suy nghĩ, hành vi tiêu cực thông qua trò chuyện và đặt câu hỏi. Từ đó, người bệnh sẽ có góc nhìn khác, biết cách đương đầu với căng thẳng, lo lắng và vượt qua được những tình huống khó khăn.
- Liệu pháp hành vi biện chứng: liệu pháp này phù hợp khi người bệnh gặp khó khăn trong việc điều chỉnh cảm xúc hoặc thể hiện các hành vi tự hủy hoại bản thân.
- Tâm lý trị liệu giữa các cá nhân: phương pháp này giúp cải thiện chất lượng các mối quan hệ của người bệnh và hoạt động xã hội.
5. Thuốc
Bác sĩ sẽ dùng những loại thuốc tác động đến não hoặc đường tiêu hóa mà đã được FDA chấp thuận để điều trị bệnh béo phì, cụ thể:
- Thuốc tác động đến não: một số loại thuốc như diethylpropion, phendimetrazine, lorcaserin, naltrexone/bupropion và liraglutide tác động đến não bộ, điều chỉnh cảm giác thèm ăn giúp người bệnh giảm thèm ăn.
- Thuốc tác động đến đường tiêu hóa: một số loại thuốc như orlistat ngăn chặn ruột người bệnh hấp thụ chất béo từ thực phẩm. Thông thường, đây là lựa chọn đầu tiên của thuốc giảm cân do ít tác dụng phụ hơn so với các thuốc khác.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng thuốc giảm cân không được khuyến nghị như một phương pháp điều trị đơn lẻ với bệnh béo phì độ 3. Tương tự như các loại thuốc khác, thuốc giảm cân có tác dụng phụ, không nên dùng đối với một số bệnh khác hoặc người bệnh đang dùng một loại thuốc khác. Vì vậy, hãy gặp bác sĩ để được thăm khám và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
6. Cân nhắc phẫu thuật
Các phẫu thuật giảm cân bao gồm:
- Phẫu thuật cắt dạ dày: bác sĩ nối một phần nhỏ dạ dày với phần giữa của ruột, bỏ qua phần đầu tiên của ruột. Điều này sẽ khiến người bệnh cảm thấy no dù ăn ít và hạn chế lượng thức ăn mà cơ thể hấp thụ và lưu trữ dưới dạng chất béo.
- Phẫu thuật cắt bỏ dạ dày: bác sĩ sẽ cắt bỏ một phần lớn dạ dày khiến người bệnh nhanh no khi ăn.
- Phẫu thuật thắt dạ dày: phẫu thuật này, bác sĩ đặt một dải rỗng xung quanh phần trên của dạ dày để tạo ra một dạ dày nhỏ hơn.
Phẫu thuật sẽ có những rủi ro và lợi ích nhất định. Các tác dụng phụ và biến chứng có thể xảy ra như:
- Nhiễm trùng.
- Chảy máu sau phẫu thuật.
- Huyết khối (cục máu đông chặn tĩnh mạch hoặc động mạch).
- Biến cố tim mạch.
Ngoài ra còn có một số biến chứng dài hạn như:
- Kém hấp thu.
- Thiếu vitamin và khoáng chất.
- Hội chứng Dumping – dạ dày đẩy thức ăn vào phần đầu tiên của ruột non nhanh hơn bình thường.
Đôi khi, việc cố gắng giảm cân và thay đổi thói quen sinh hoạt khiến người bệnh nản lòng và choáng ngợp. Người bệnh chỉ cần nhớ bản thân giảm được 5% – 10% cân nặng cũng cải thiện sức khỏe đáng kể, lượng đường trong máu giảm, huyết áp, mức chất béo trung tính và chất lượng cuộc sống cũng trở nên cải thiện hơn.
Phòng ngừa béo phì độ 3
Nếu chỉ số BMI hoặc các kết quả đánh giá sau khi thăm khám của người bệnh cho thấy một số yếu tố rủi ro nhất định hoặc bị béo phì, bác sĩ sẽ khuyên người bệnh thay đổi một số điều trong lối sống, sống lành mạnh hơn bằng cách như:
- Chế độ ăn uống lành mạnh cho tim.
- Hoạt động thể chất.
- Định mức cân nặng dựa vào giới tính, chiều cao và tình trạng sức khỏe.
- Giảm căng thẳng.
- Ngủ đủ giấc.
Ngoài ra, tùy vào tình trạng từng người bệnh mà bác sĩ sẽ điều trị và đưa ra lời khuyên khác nhau. Hãy gặp bác sĩ khoa Nội tiết – Đái tháo đường để được thăm khám, tư vấn và điều trị phù hợp với bản thân.
>>>Tham khảo thêm: Nguyên nhân và cách điều trị béo phì độ 2
Các biến chứng của béo phì độ III
Các biến chứng của béo phì độ 3 bao gồm:
- Hội chứng chuyển hóa: người bệnh mắc hội chứng chuyển hóa nếu có sự kết hợp của ít nhất 3 trong các tình trạng gồm béo phì trung tâm, nồng độ chất béo trung tính (TG) cao, huyết áp cao, lượng đường trong máu tăng cao lúc đói,…
- Bệnh tiểu đường tuýp 2: dự trữ chất béo dư thừa dẫn đến kháng insulin có thể gây ra bệnh tiểu đường tuýp 2. Tuy nhiên, bệnh cũng do nhiều yếu tố khác góp phần nên không thể nói tất cả người béo phì đều mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 và ngược lại.
- Bệnh tim: Bệnh béo phì kéo dài có thể dẫn đến suy giảm chức năng tim và bệnh tim. Béo phì khiến khối lượng tâm thất lớn hơn, gây rối loạn chức năng tâm thu (suy giảm khả năng co bóp của tâm thất) và nhịp tim không đều (rung tâm nhĩ).
- Huyết áp cao: người béo phì có nguy cơ bị cao huyết áp gấp 3,5 lần và cũng tăng nguy cơ mắc bệnh tim cao.
- Xơ vữa động mạch: béo phì là một trong những yếu tố gây xơ vữa động mạch bởi các biến chứng khác như cao huyết áp, nồng độ glucose tăng cao và viêm toàn thân.
- Bệnh ung thư: béo phì có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc 13 loại ung thư. Những bệnh ung thư này chiếm khoảng 40% trong số tất cả các bệnh ung thư được chẩn đoán.
- Rối loạn giấc ngủ, cụ thể chứng ngưng thở khi ngủ: béo phì có mối tương quan chặt chẽ với chứng ngưng thở khi ngủ. Ở người bệnh béo phì, chất béo lắng đọng ở đường hô hấp trên, làm hẹp đường thở, gây tắc nghẽn, giảm hoạt động của cơ tại khu vực này, gây ra các vấn đề về hô hấp và ngưng thở khi ngủ.
- Các vấn đề về hô hấp: Hội chứng giảm thông khí do béo phì (OHS) là chứng rối loạn hô hấp ảnh hưởng đến một số người bệnh béo phì. Cơ thể người bệnh có quá nhiều carbon dioxide và quá ít oxy trong máu. Tình trạng này nếu không được điều trị có thể gây ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng và thậm chí còn đe dọa đến tính mạng.
- Viêm xương khớp: béo phì độ 3 gây áp lực lên các khớp như đầu gối, tăng nguy cơ bị viêm xương khớp hoặc tệ hơn nữa là thoái hóa khớp.
- Trầm cảm: khoảng 43% người trưởng thành trầm cảm mắc bệnh béo phì. Những người bệnh béo phì có khả năng mắc bệnh trầm cảm > 55% so với người không bị béo phì.
>>>Có thể bạn chưa biết: Béo phì độ 1 là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Cách chăm sóc béo phì độ 3
Những điều sau đây sẽ giúp người bệnh béo phì độ 3 nắm được cách chăm sóc cho sức khỏe của mình, cụ thể:
- Đặt mục tiêu nhỏ, cụ thể để dễ đạt được như giảm ăn đồ béo, ngọt,… hoặc tập thể dục, đi bộ,…
- Luôn giữ tinh thần tích cực, cổ vũ bản thân.
- Ngủ đủ giấc.
- Không lạm dụng các chất kích thích như rượu, bia, ma túy,…
- Dùng thuốc theo toa phải đảm bảo đúng chỉ định của bác sĩ, không quên uống và bỏ lỡ liều thuốc.
- Cân nhắc tham gia nhóm hỗ trợ người béo phì.
Ngoài ra, nếu người bệnh gặp khó khăn trong việc kiểm soát cân nặng của mình, hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám, kiểm tra tình trạng tiềm ẩn gây tăng cân và điều trị kịp thời.
Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, BVĐK Tâm Anh hội tụ các chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giàu kinh nghiệm, chuyên môn cao giúp quá trình khám, chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất với người bệnh.
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
- Hà Nội:
- 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, TP.Hà Nội
- Hotline: 024 3872 3872 – 024 7106 6858
- TP.HCM:
- 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh
- Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
- Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh
- Website: https://tamanhhospital.vn
Béo phì độ 3 không còn đơn giản về vấn đề về vóc dáng, tính thẩm mỹ nữa mà là một bệnh lý cần được thăm khám và điều trị. Thông qua bài này, mong rằng người bệnh không buồn phiền mà hiểu hơn về bệnh béo phì, tình trạng bản thân và biết cách bảo vệ sức khỏe.
Cập nhật lần cuối: 13:39 08/03/2024
-
Professional, C. C. M. (n.d.). Class III obesity (Formerly known as morbid obesity). Cleveland Clinic. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/21989-class-iii-obesity-formerly-known-as-morbid-obesity