Mở đầu
Virus HPV (Human Papillomavirus) là một trong những loại virus lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất trên thế giới. Mặc dù nhiều người nghe đến HPV nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về cách thức lây nhiễm cũng như cách phòng tránh loại virus này. Vậy HPV có thể lây qua những con đường nào và làm sao để bảo vệ bản thân một cách hiệu quả? Bài viết này sẽ giúp bạn tìm hiểu chi tiết hơn về các con đường lây nhiễm của virus HPV và cách phòng ngừa nhiễm bệnh. Mời bạn đọc tiếp ngay sau đây!
Tham khảo/Tham vấn chuyên môn:
Bài báo đã tham vấn y khoa từ Bác sĩ Lê Văn Thuận, chuyên khoa Sản – Phụ khoa, làm việc tại Bệnh viện Đồng Nai – 2 để đảm bảo tính chính xác và minh bạch.
Nội dung từ các bài viết trên VietMek.com chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho lời khuyên, chẩn đoán hoặc điều trị y tế chuyên nghiệp. Vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia y tế trước khi áp dụng bất kỳ thông tin nào từ bài viết này.
Nguồn tham khảo chính bao gồm thông tin từ các tổ chức y tế uy tín như CDC và WHO, cùng với các bài báo khoa học.
Virus HPV lây qua những con đường nào?
Virus HPV thường lây truyền chủ yếu qua đường tình dục trực tiếp qua đường âm đạo, hậu môn hoặc miệng của người mang mầm bệnh. Điều này có nghĩa là chỉ cần có tiếp xúc vùng da hoặc niêm mạc nhiễm HPV, nguy cơ lây truyền là rất cao.
Đường tình dục
Virus HPV chủ yếu lây truyền qua đường tình dục, kể cả tiếp xúc bằng tay, bộ phận sinh dục, hậu môn hoặc đường miệng. Khi xâm nhập vào cơ thể, virus sẽ khu trú ở vùng thượng bì, lớp biểu mô da và niêm mạc, nơi có dịch nhầy.
- Quan hệ tình dục: Bất cứ kiểu quan hệ tình dục nào (âm đạo, hậu môn, miệng) cũng có thể trở thành con đường lây nhiễm HPV.
- Tiếp xúc da kề da: Ngay cả khi không có quan hệ tình dục chẳng hạn như tiếp xúc da vùng sinh dục, hậu môn cũng có thể lây nhiễm.
Lây truyền qua đường tiếp xúc ngoài da
Mặc dù HPV lây lan phổ biến nhất qua đường tình dục, nhưng đây không phải là con đường duy nhất. Virus có thể lây lan qua các con đường tiếp xúc khác như:
– Sử dụng chung dụng cụ cá nhân: Như các dụng cụ cắt móng tay, đồ lót, các vật dụng dính máu và dịch nhầy của người bệnh.
– Tiếp xúc da kề da: Sử dụng bao cao su khi quan hệ có thể giúp giảm nguy cơ lây nhiễm nhưng không hiệu quả 100% vì bao cao su không bao phủ toàn bộ vùng sinh dục.
Lây truyền từ mẹ sang con
Về mặt y khoa, virus HPV không gây sảy thai. Phụ nữ mang thai được chẩn đoán nhiễm virus HPV cũng rất ít khả năng lây truyền sang con. Tuy nhiên, khả năng lây truyền từ mẹ sang con khi mang thai là có thể xảy ra, dẫn đến nguy cơ gây mụn cóc ở trẻ sơ sinh.
Ai có nguy cơ bị lây nhiễm HPV cao?
Do con đường lây nhiễm HPV phổ biến là quan hệ tình dục, nên nguy cơ mắc bệnh chủ yếu đến từ đời sống tình dục của người mắc bệnh. Dưới đây là những yếu tố khiến bạn dễ mắc bệnh HPV hơn:
- Số bạn tình cao: Nguy cơ lây nhiễm sẽ tăng theo số lượng bạn tình mà bạn từng quan hệ. Nếu cả bạn và người kia đã từng quan hệ với nhiều đối tác thì nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng theo cấp số nhân.
- Quan hệ càng sớm càng dễ mắc bệnh: WHO nhận định rằng, nếu bạn quan hệ tình dục lần đầu tiên dưới 16 tuổi thì khả năng mắc HPV sẽ cao hơn người khác.
- Sử dụng chất kích thích: Thói quen sử dụng chất kích thích sẽ làm suy giảm hệ miễn dịch, khiến bạn dễ chấp nhận tham gia vào các hoạt động kém lành mạnh, đây chính là điều kiện để HPV xâm nhập.
Làm sao để phát hiện sớm bị nhiễm HPV?
Làm các xét nghiệm cần thiết
Để biết bạn có nhiễm virus HPV hay không, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu bạn thực hiện các loại xét nghiệm bao gồm:
- Xét nghiệm Pap: Dùng trong tầm soát loạn sản và bất thường của các tế bào tại cổ tử cung.
- Xét nghiệm DNA HPV: Sử dụng tế bào cổ tử cung nhằm phát hiện DNA các chủng siêu vi HPV có nguy cơ cao gây ung thư cổ tử cung nếu không điều trị sớm. Bác sĩ có thể chỉ định bạn thực hiện cùng lúc với xét nghiệm Pap để củng cố kết quả.
- Nghiệm pháp acid acetic (VIA): Chấm cổ tử cung bằng dung dịch acid cùng tên (3 – 5%) và quan sát bằng mắt thường để phát hiện những bất thường bao gồm cả tổn thương tiền ung thư.
Thăm khám sức khỏe định kỳ
Thăm khám sức khỏe hay khám phụ khoa định kỳ giúp kiểm tra, tầm soát và phát hiện kịp thời các mầm bệnh liên quan đến vùng kín, kể cả nam và nữ. Việc khám sức khỏe định kỳ còn giúp bạn kịp thời phát hiện mầm bệnh có liên quan đến virus HPV (bao gồm ung thư cổ tử cung).
- Trước khi kết hôn: Khám sức khỏe tiền hôn nhân giúp phát hiện các vấn đề viêm nhiễm cũng như bệnh lý có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản, sức khỏe thai kỳ trong tương lai.
- Khi có kế hoạch mang thai, sinh con: Thông qua việc khám phụ khoa định kỳ, các bác sĩ có thể phát hiện các vấn đề sức khỏe sinh dục, các bất thường (nếu có) ở bộ phận sinh dục, đề ra phương pháp điều trị hiệu quả để tránh lây nhiễm cho thai nhi trong suốt thai kỳ, đảm bảo thai kỳ phát triển khỏe mạnh
- Khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường Vùng kín: Như ngứa dương vật, ngứa da bìu, vùng kín nổi cục bất thường, âm đạo tiết dịch có mùi khó chịu, ngứa âm đạo.
Các câu hỏi phổ biến liên quan đến HPV
1. HPV có thể gây ra những bệnh gì?
Trả lời:
HPV là nguyên nhân hàng đầu gây ra nhiều bệnh lý nghiêm trọng như ung thư cổ tử cung, ung thư sinh dục và một số loại ung thư khác.
Giải thích:
Theo thống kê, siêu vi HPV là nguyên nhân dẫn đến 630.000 ca chẩn đoán ung thư mỗi năm trên toàn cầu. Các loại ung thư này bao gồm:
– Ung thư cổ tử cung: Một số loại virus HPV có liên quan đến sự tiến triển bất thường của tế bào cổ tử cung hình thành nên khối u ác tính.
– Ung thư hậu môn: Khoảng 90% số ca mắc ung thư hậu môn được chẩn đoán do HPV gây ra.
– Ung thư âm đạo và âm hộ: Tương đối phổ biến, chiếm 78% ca ung thư âm đạo và 28% ung thư âm hộ.
– Ung thư dương vật: Virus HPV được tìm thấy trong hơn một nửa số ca ung thư biểu mô dương vật.
– Ung thư vòm họng: Hơn 60% ca ung thư vòm họng liên quan đến các tế bào ung thư được tìm thấy phía sau cổ họng gồm cả phần lưỡi và amidan.
Hướng dẫn:
Để phòng ngừa các bệnh nghiêm trọng do HPV gây ra, hãy duy trì thói quen quan hệ tình dục an toàn, tiêm vắc xin HPV và thăm khám sức khỏe định kỳ. Nhận diện và điều trị các triệu chứng liên quan đến HPV càng sớm càng tốt để giảm thiểu nguy cơ phát triển bệnh nghiêm trọng.
2. Làm thế nào để phòng ngừa lây nhiễm HPV?
Trả lời:
Để phòng ngừa HPV, quan trọng nhất là thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân và quan hệ tình dục an toàn, kèm theo việc tiêm chủng vắc xin.
Giải thích:
Phòng ngừa lây nhiễm HPV bao gồm:
1. Giữ gìn vệ sinh vùng kín: Vệ sinh vùng kín hàng ngày và thay đồ lót thường xuyên để đảm bảo vùng kín sạch sẽ, ngăn ngừa viêm nhiễm.
2. Khám sức khỏe định kỳ: Khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng hoặc 12 tháng một lần, để phòng ngừa các bệnh virus HPV gây ra.
3. Quan hệ tình dục an toàn: Sử dụng bao cao su khi quan hệ nếu chưa có kế hoạch sinh con, tránh tiếp xúc với những mối quan hệ như tình một đêm, friend with benefit, quan hệ nhiều người (some)…
4. Tiêm vắc xin: Vắc xin là phương pháp phòng ngừa HPV hiệu quả, an toàn và tiết kiệm nhất. Theo WHO, vắc xin phòng các bệnh do virus HPV phát huy hiệu quả cao nhất khi tiêm phòng cho trẻ từ 9-15 tuổi.
Hướng dẫn:
Bạn nên thực hiện các biện pháp vệ sinh sạch sẽ hàng ngày, đảm bảo vùng kín luôn khô thoáng. Đồng thời, hãy tới các cơ sở y tế để tiêm vắc xin phòng ngừa HPV. Quan hệ an toàn và thực hiện các kiểm tra y tế thường xuyên sẽ giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh do HPV gây ra.
3. Lúc nào cần gặp bác sĩ kiểm tra khi nghi ngờ nhiễm HPV?
Trả lời:
Bạn cần gặp bác sĩ ngay khi nghi ngờ nhiễm HPV hoặc nhận thấy bản thân có các triệu chứng bất thường liên quan đến virus này.
Giải thích:
Phần lớn người nhiễm HPV ở giai đoạn đầu không có biểu hiện bất thường nào cho đến khi bệnh tiến triển nặng. Nếu bạn thấy bất kỳ thay đổi nào ở vùng kín hay các dấu hiệu như:
– Ngứa hoặc khó chịu vùng sinh dục
– Vùng kín nổi mụn, mụn cóc
– Khí hư có mùi hôi
– Đau khi quan hệ tình dục hoặc chảy máu sau quan hệ tình dục
– Triệu chứng bất kỳ liên quan khác ở vùng miệng, cổ họng (đặc biệt khi có tiền sử quan hệ tình dục bằng miệng)
Hướng dẫn:
Nếu bạn gặp phải bất kỳ triệu chứng nào như trên hoặc nghi ngờ mình nhiễm HPV, hãy đi khám bác sĩ ngay. Điều này giúp bạn phát hiện và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nặng nề về sau. Hãy duy trì thói quen kiểm tra sức khỏe định kỳ và trao đổi rõ ràng với bác sĩ về các vấn đề sức khỏe tình dục bạn gặp phải.
Kết luận và khuyến nghị
Kết luận
HPV lây truyền phổ biến qua đường tình dục và tiếp xúc trực tiếp với da bị nhiễm. Hiểu rõ về cách lây nhiễm và biện pháp phòng ngừa giúp bạn bảo vệ sức khỏe hiệu quả. Hãy cập nhật kiến thức về HPV thường xuyên và thực hiện các biện pháp dự phòng để tránh lây nhiễm.
Khuyến nghị
Tiêm vắc xin phòng HPV, duy trì vệ sinh cá nhân tốt và quan hệ tình dục an toàn là những biện pháp hiệu quả giảm nguy cơ lây nhiễm. Hãy chia sẻ kiến thức về HPV với người thân và bạn bè để mọi người đều được bảo vệ sức khỏe tốt nhất. Đặc biệt, nếu có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ nhiễm HPV, hãy đi khám bác sĩ ngay để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Tài liệu tham khảo
- HPV Infection | Human Papillomavirus (HPV) | CDC. https://www.cdc.gov/hpv/parents/about-hpv.html.
- HPV Virus and Cancer. https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/human-papilloma-virus-and-cancer.
- Human Papillomavirus Infection during Pregnancy and Childhood: A Comprehensive Review. https://www.mdpi.com/2076-2607/10/10/1932.
- Effect of mode of delivery on vertical human papillomavirus transmission – A meta-analysis. https://www.tandfonline.com/doi/full/10.3109/01443615.2015.1030606.
- Genital Warts: Causes, Symptoms, Treatment & Prevention. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/4209-genital-warts.
- Genital Warts | STD Symptoms, Treatment and Removal. https://www.plannedparenthood.org/learn/stds-hiv-safer-sex/genital-warts.
- About Genital HPV Infection | STI | CDC. https://www.cdc.gov/sti/about/about-genital-hpv-infection.html?CDC_AAref_Val=https://www.cdc.gov/std/hpv/stdfact-hpv.htm.
- Human papillomavirus and cancer. https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/human-papilloma-virus-and-cancer.